Cà Mau duy trì diện tích sản xuất lúa hữu cơ năm 2030 là 150 ha
Nhằm góp phần nâng cao tiềm năng lợi thế địa phương, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ giúp nâng cao chất lượng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, tập trung cải tạo vườn tạp, tận dụng các ao, mương vườn phát triển kinh tế và tạo 15 cảnh quan, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Ngoài ra, khuyến khích phát triển các sản phẩm địa phương phục vụ cộng đồng và du lịch, gắn hoạt động sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, nâng cao đời sống kinh tế của người dân từ 10 - 15% so với trước khi thực hiện Dự án. Ngày 02/5/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT ký ban hành dự án "Tổ chức lại sản xuất khu vực canh tác lúa kém hiệu quả tại ấp Thời Hưng và khu vực lân cận giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 ". Theo đó, mục tiêu cụ thể:
- Trồng trọt:
+ Cây lúa: Tổ chức lại sản xuất theo hướng bố trí lại mùa vụ, cơ cấu giống, sản xuất theo thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập nông dân trong vùng; trên cơ sở hiện trạng các ô sản xuất chuyển đổi một số vùng sang sản xuất lúa hữu cơ năm 2023 là 50 ha, đến năm 2024 là 100 ha, đến năm 2025 là 150 ha, định hướng đến năm 2030 duy trì diện tích sản xuất lúa hữu cơ là 150 ha, nâng hiệu quả sản xuất 10 - 15%/năm.
+ Cây ăn trái: Tận dụng đất đai, nâng cao mặt bằng, cải tạo vườn tạp bố trí trồng các loại cây ăn trái phù hợp, phục vụ du khách tăng thêm thu nhập. Đến năm 2025 đạt diện tích là 10 ha, định hướng đến năm 2030 duy trì diện tích cây ăn trái 10 ha gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.
- Tổ chức sản xuất: Tăng cường năng lực hoạt động của các Tổ hợp tác và Hợp tác xã. Đến năm 2025 cũng cố năng lực hoạt động của 10 Tổ hợp tác hiện có, thành lập 01 Hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.
- Chế biến nông, thuỷ sản: Tăng cường đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp, Hợp tác xã phát triển các sản phẩm địa phương. Đến năm 2025 phát triển ít nhất 02 sản phẩm nông sản được chứng nhận OCOP 3 sao, định hướng đến năm 2030 phát triển được 4 - 5 sản phẩm OCOP sản xuất trong khu vực phục vụ tiêu dùng và du lịch.
- Phát triển du lịch: Khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch. Đến năm 2025 phát triển từ 01 đến 02 mô hình điểm kết hợp sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái công đồng, định hướng đến năm 2030 phát triển 3 - 5 điểm gắn sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái cộng đồng.
Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 29.276.215.400 đồng, chia thành 04 năm, năm 2023 là 404.103.000 đồng, năm 2024 là 12.890.692.000 đồng, năm 2025 là 13.981.420.400 đồng và năm 2026 là 2.000.000.000 đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 29.276.215.400 đồng (lồng ghép 28.866.215.400 đồng, trực tiếp 410.000.000 đồng), gồm: - Ngân sách Trung ương: 20.690.000.000 đồng. - Ngân sách địa phương: 8.586.215.400 đồng.