Chuẩn bị đón tiếp, làm việc với Đoàn thanh tra EU về dư lượng trong thủy sản nuôi 2024
Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế và xã hội. Xuất khẩu thủy sản là ngành kinh tế trụ cột của nền nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. Đến nay, sản phẩm xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó,EU là một trong những thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường tiêu thụ thủy sản khó tính với những yêu cầu cao về nguồn gốc cũng như tính bền vững.
Theo Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương (VITIC),tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt 503,6 triệu USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ 2023. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU chiếm 11,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.Tuy nhiên, vấn đề tồn tại “thẻ vàng” IUU đối với lĩnh vực khai thác hải sản của Việt Nam khiến sản phẩm thủy sản nước ta khi vào thị trường này bị ảnh hưởng rất nhiều. Các doanh nghiệp đang trông đợi kết quả đợt thanh tra lần thứ 5 sắp tới của Ủy ban châu Âu (EC) để phá bỏ trở ngại kéo dài nhiều năm nay.
Ảnh minh họa. Ao nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Thực hiện Công văn số 1463/CCPT-GSĐG ngày 01/8/2024 của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường về việc chuẩn bị, làm việc với thanh tra EU về dư lượng trong thủy sản nuôi 2024 (sau đây gọi tắt là Chương trình giám sát dư lượng). Theo đó, Đoàn thanh tra liên minh Châu Âu (EU) dự kiến tháng 9 - 10 năm 2024 sẽ đến làm việc tại Việt Nam. Để công tác chuẩn bị đón tiếp, làm việc với Đoàn thanh tra liên minh Châu Âu đảm bảo kết quả thanh tra tốt nhất, giữ vững thị trường xuất khẩu tôm Cà Mau nói riêng và cả nước nói chung; Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể:
- Tham mưu xây dựng Kế hoạch chi tiết đón tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra EU về dư lượng trong thủy sản nuôi 2024 và báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra sau khi kết thúc đợt thanh tra.
- Triển khai thực hiện Công văn số 785/BNN-TS ngày 26/01/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc nghiêm túc thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.
- Cập nhật đầy đủ kết quả thực hiện Chương trình giám sát dư lượng hàng tháng, gồm: Báo cáo giám sát tình hình nuôi trồng thủy sản; hoạt động lấy mẫu giám sát (quyết định lấy mẫu, phiếu thu mẫu, biên bản giao nhận mẫu); thông báo kết quả giám sát hàng tháng và thông báo phát hiện dư lượng vượt mức giới hạn tối đa cho phép (nếu có) của Cục/Chi cục Nam bộ.
- Rà soát kết quả thẩm tra báo cáo điều tra nguyên nhân, thực hiện các biện pháp khắc phục đối với các trường hợp phát hiện mẫu vi phạm của các cơ sở nuôi, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản, kết quả xử lý vi phạm của cơ quan chức năng (nếu có), đặc biệt là các trường hợp phát hiện vi phạm về hóa chất, kháng sinh theo hướng dẫn của Cục tại các văn bản số 2277/QLCL-CL1 ngày 28/11/2017 về khắc phục khuyến cáo thanh tra EU tháng 11/2017; số 812/CCPT-ATTP ngày 13/9/2023 về báo cáo điều tra lô hàng vi phạm hóa chất kháng sinh.
- Cập nhật các hồ sơ về năng lực triển khai Chương trình giám sát dư lượng: Bằng chứng về đào tạo, tập huấn của cán bộ triển khai Chương trình; trang thiết bị, dụng cụ lấy mẫu, bảo quản mẫu;…
- Rà soát báo cáo thẩm tra việc thực hiện Chương trình hàng năm hoặc kết quả thẩm tra việc thực hiện Chương trình của Cục/Chi cục Nam bộ và kết quả khắc phục sai lỗi sau khi thẩm tra.
- Rà soát, bảo đảm Cơ sở buôn bán thuốc thú y phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc thú y, người quản lý, người trực tiếp bán thuốc thú y phải có Chứng chỉ hành nghề thú y và chỉ được mua bán các loại thuốc thú y có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc có Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam; lưu giữ đầy đủ đơn thuốc theo quy định tại Thông tư số 12/2020/TT-BNNPTNT.
- Rà soát, lưu trữ hồ sơ thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) các quy định của pháp luật đối với các hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y thủy sản và sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản không được phép sử dụng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các quy phạm để đảm bảo an toàn thực phẩm cho tôm nuôi, không vi phạm về dư lượng kháng sinh và các chất độc hại không được phép sử dụng khác.
- Lưu trữ đầy đủ hồ sơ triển khai tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về thú y và thủy sản, nâng cao nhận thức và ý thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y thủy sản.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan khi Đoàn của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đi tiền trạm và Đoàn thanh tra EU đến làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT và có nhu cầu đi thực tế liên quan đến vùng nuôi…
Tin và ảnh: Hà Giang- CCTS
(Nguồn theo thông tin từ: “Tình hình xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang thị trường EU trong 6 tháng đầu năm 2024” của Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương (VITIC); “Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia” của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam;Công văn số 3408/SNN-TS ngày 14/8/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT).