Cà Mau tiếp cận Hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch có trách nhiệm, bền vững
Lương thực thực phẩm là nhu cầu thiết yếu của con người, là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Hệ thống lương thực thực phẩm liên quan đến mọi khía cạnh đời sống của con người. Sức khỏe của các hệ thống lương thực thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mỗi người, cũng như sức khỏe môi trường, nền kinh tế và văn hóa. Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững sẽ giúp chúng ta chấm dứt đói nghèo và tiến bộ. Do đó, chúng ta phải sớm tìm ra phương án tái cấu trúc và vận hành hệ thống lương thực thực phẩm quốc gia, các phương án giải quyết những vấn đề đang phát sinh; xác định hướng đi phù hợp với thực tế cấp quốc gia và địa phương nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam theo hướng toàn diện, bền vững và có khả năng chống chịu hơn.
Tỉnh Cà Mau có tiềm năng, lợi thế về sản xuất lúa, rau, củ, quả và nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản. Nông nghiệp của Cà Mau đang trên đà phát triển trước xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ. Sản xuất nông nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ, lượng hàng hóa từ nông nghiệp ngày càng nâng cao về chất lượng và số lượng. Cà Mau có diện tích sản xuất lúa khoảng 112.000 ha với sản lượng trung bình mỗi năm đạt hơn 446.000 tấn. Diện tích trồng rau, trái cây các loại của Cà Mau đạt hơn 23.000 ha. Về chăn nuôi, đàn heo xuất chuồng khoảng 180.000 con; đàn gia cầm xuất chuồng khoảng 5.700.000 con. Riêng về Thủy sản, Cà Mau tiếp tục khẳng định vai trò kinh tế mũi nhọn của tỉnh: Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2020 khoảng 301.000 ha, riêng nuôi tôm đạt 284.970 ha; Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 592.635 tấn. Trong đó sản lượng tôm đạt 210.075 tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh Cà Mau hàng năm khoảng 1,2 tỷ USD (chủ yếu là xuất khẩu tôm). Toàn tỉnh có hơn 30 nhà máy chế biến và xuất khẩu tôm với công suất 250.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. Cà Mau giữ vững lợi thế là là tỉnh dẫn đầu cả nước về xuất khẩu tôm.
Nhìn chung, tỉnh Cà Mau có tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, sinh thái và chế biến lương thực, thực phẩm với nguồn nguyên liệu dồi dào. Dó đó, tỉnh Cà Mau đồng thuận cao với khung Hệ thống lương thực thực phẩm đưa ra các tiếp cận hợp tác đa ngành đa cấp và phù hợp với chính sách hiện hành của Việt Nam như: Kế hoạch Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chương trình Hành động quốc gia Không còn nạn đói đến năm 2025, ... và năm (05) mục tiêu hành động bao gồm: Đảm bảo quyền tiếp cận lương thực thực phẩm an toàn và cân bằng dinh dưỡng cho mọi người; Chuyển đổi xu thế tiêu dùng theo hướng lành mạnh và bền vững; Thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm thân thiện với môi trường; Tăng cường bình đẳng trong chia sẻ giá trị và sinh kế và Xây dựng khả năng chống chịu trước các tổn thương và cú sốc. Đồng thời cam kết tham gia tích cực vào xây dựng Hệ thống lương thực, thực phẩm của Việt Nam minh bạch, có trách nhiệm, bền vững và thống nhất. Tiếp cận với xu hướng sản xuất và tiêu dùng mới, tỉnh Cà Mau tham gia thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, Xác định đúng thực trạng, thách thức và cơ hội đối với Hệ thống lương thực thực phẩm của tỉnh để xây dựng kế hoạch với những giải pháp và lộ trình hành động để chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng có trách nhiệm, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, minh bạch và bền vững đến năm 2030. Về nội dung này, từ những năm qua địa phương đã có những chủ trương tạo điều kiện mở rộng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi hệ thống từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng đối với các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Từ năm 2018, tỉnh đã có nhiều mô hình nuôi đạt chứng nhận tôm sinh thái quốc tế, các chuỗi sản xuất cung ứng tôm theo tiêu chuẩn ASC được khuyến cáo và nhiều mô hình cung ứng lúa hữu cơ chất lượng cao với giống lúa ngon nhất thế giới. Bên cạnh những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sạch, an toàn, đảm bảo về nhãn hiệu, hệ thống truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, tỉnh đã tạo điều kiện thành lập tổ chức Liên minh Tôm sạch và bền vững. Đây là tổ chức liên kết nhiều bên với mục tiêu hướng đến một nền công nghiệp tôm nuôi quy mô lớn và gắn kết với hệ thống thị trường tiêu thụ tôm sạch, bền vững, tuân theo các tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế; phát triển thương hiệu, các kênh phân phối cho sản phẩm tôm đạt chất lượng.
Thứ hai, Xây dựng các mô hình và chiến lược phát triển chuỗi giá trị lương thực thực phẩm khả thi và bền vững kết hợp các nguyên tắc kinh tế nông nghiệp và khí hậu thông minh, chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, chú trọng sản xuất lương thực thực phẩm lành mạnh và đảm bảo dinh dưỡng.
Thứ ba, Đổi mới trong khuyến nông, đào tạo và giáo dục trên diện rộng cho nông dân về kinh doanh theo chuỗi giá trị và sản xuất hệ thống nông nghiệp sạch, hữu cơ, an toàn.
Thứ tư, Đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất để cải thiện kết nối thị trường và hệ thống phân phối lương thực thực phẩm.
Thứ năm, Nghiên cứu-phát triển tiềm năng gia tăng giá trị, bảo quản, chế biến, tái chế phụ phẩm nâng cao giá trị dinh dưỡng của thực phẩm và phát triển thị trường xuất khẩu nhằm giảm thất thoát, lãng phí thực phẩm và gia tăng giá trị bằng cách sản xuất thực phẩm lành mạnh và đảm bảo dinh dưỡng.
Thứ sáu, Phát triển ứng dụng công nghệ số trên hệ thống thực phẩm từ truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, quy cách sản phẩm và chất lượng, thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, thu mua và phân phối sản phẩm, cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật;
Thứ bảy, Rà soát và đổi mới chính sách và quy định, đồng thời tăng cường phối hợp và hợp tác giữa các thể chế, lồng ghép và tích hợp các vấn đề và chương trình liên kết hệ thống lương thực thực phẩm
Việc tiếp cận bước đầu trong nhận thức và đánh giá về sự phù hợp trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua ở địa phương, xu hướng trên sẽ cùng hỗ trợ tỉnh Cà Mau thúc đẩy Hệ thống lương thực, thực phẩm thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng đồng thời hướng tới mục tiêu cung cấp lương thực, thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững./.